Blog Du lịch

Tham quan Thánh Địa Mỹ Sơn: chiêm ngưỡng quần thể kiến trúc Chăm Pa đặc sắc

Trong kho tàng văn hóa – du lịch miền Trung, Thánh địa Mỹ Sơn là điểm đến linh thiêng, huyền bí và chứa đựng nhiều tinh hoa văn hóa của vương quốc Chăm Pa xưa. Hãy cùng khám phá vùng đất đặc biệt này để hiểu thêm về thời kỳ vàng son của một vương triều từng một thời hưng thịnh trên mảnh đất của chúng ta.

1. Giới thiệu chung về Thánh địa Mỹ Sơn

Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, được ước tính có hơn 70 đền tháp xây dựng từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XIII. Tọa lạc gần thành cổ Trà Kiệu, đây là vùng đất tổ chức lễ bái, cúng tế của vương triều Chăm Pa, và cũng là nơi trú ẩn nếu kinh đô không may bị xâm lấn.

Khu thánh địa được liên tục tu sửa và xây mới trong suốt các triều đại vua Chăm Pa trải qua nhiều thế kỷ. Do vậy, mỗi tháp thờ đều mang dấu ấn lịch sử và kiến trúc đặc sắc riêng.

Điểm chung nổi bật nhất của các tòa tháp chính là cấu trúc mặt bằng đế tứ giác, và thờ chính tượng thần Shiva – vị thần sáng tạo và hủy diệt của Ấn Độ Giáo.

Phản ánh rõ nét quá trình phát triển của văn hóa Chăm Pa, khu di tích Mỹ Sơn đem du khách đến gần hơn cuộc sống, tôn giáo và nền văn minh cổ xưa, cũng như hiểu được giá trị và thẩm mỹ của người Chăm thời bấy giờ.

Thánh địa Mỹ Sơn mở cửa đón khách từ 6:30 – 17:30 tất cả các ngày trong tuần, với mức giá tham quan như sau:

  • Đối với khách Việt: 100.000 VND/người.
  • Đối với khách nước ngoài: 150.000 VND/người.

Lưu ý: Vé tham quan bao gồm phí đi xe điện đến di tích Mỹ Sơn và xem biểu diễn văn nghệ.

2. Cách di chuyển tới Thánh địa Mỹ Sơn

Thánh địa Mỹ Sơn nằm cách thành phố Đà Nẵng khoảng 69km và cách phố cổ Hội An 45km. Bạn nên kết hợp tham quan khu di tích Mỹ Sơn trong chuyến du lịch Đà Nẵng. Từ thành phố, nếu muốn tự túc di chuyển đến thánh địa, bạn có thể đi theo hành trình như sau:

  • Xuất phát từ quốc lộ 1A, đi xe thẳng về hướng Vĩnh Điện tới thị trấn Nam Phước. Đoạn đường này dài khoảng 40km và sẽ mất khoảng 1 tiếng di chuyển.
  • Từ ngã ba Nam Phước, bạn rẽ phải đi về hướng Trà Kiệu khoảng 20km sẽ thấy biển chỉ dẫn lối vào thánh địa Mỹ Sơn.

Một lựa chọn khác là di chuyển bằng phương tiện công cộng, cụ thể là xe buýt, từ Đà Nẵng tới khu di tích:

  • Tuyến xe số 06
  • Thời gian hoạt động:  Từ 5:15 sáng đến 16:45 chiều với lịch trình 30 phút/chuyến.
  • Lộ trình: Khởi hành từ Bến xe Trung tâm Đà Nẵng đến Chợ Phú Đa (Duy Xuyên). Từ bến xe Phú Đa, bạn có thể bắt xe ôm, đi tầm 8km nữa là tới Thánh địa Mỹ Sơn.
  • Giá vé: 8.000 – 30.000 VND/lượt

Như vậy, tùy thuộc vào chi phí, thời gian và khả năng của mình, bạn có thể lựa chọn cách di chuyển phù hợp nhất nhé.

Ngoài phương tiện di chuyển, du khách cũng nên cân nhắc thời điểm để ghé thăm Thánh địa Mỹ Sơn. Vị trí khu di tích nằm sâu trong rừng và đường đến đây khá quanh co, chủ yếu là đường đất nên dễ bị sình lầy, trơn trượt nếu đi vào mùa mưa.

Thời gian lý tưởng để tham quan khu thánh địa là từ tháng 2 – tháng 5, khi Quảng Nam đang ở mùa khô và thời tiết chưa quá nắng nóng oi bức. Nếu đi du lịch vào thời điểm này, bạn vừa dễ dàng khi di chuyển, lại vừa có cơ hội chụp được những bức ảnh trong tiết trời mát mẻ, sáng trong mà không bị nắng gắt.

3. Các hoạt động thu hút khách thập phương

3.1. Khám phá toàn cảnh các khu tháp chính, tháp phụ

Các lăng mộ, đền đài ở Mỹ Sơn là nơi hội tụ của rất nhiều kiểu kiến trúc, chạm khắc đa dạng độc đáo: từ những kiểu cổ đại của thế kỷ VII, tới kiểu Hòa Lai (đầu thế kỷ IX), kiểu Đồng Dương (cuối thế kỷ IX – đầu thế kỷ X) và kiểu Bình Định (cuối thế kỷ XI – đầu thế kỷ XI).

Khi đặt chân tới đây, du khách sẽ được khám phá toàn cảnh của khu thánh địa, từ các cụm tháp chính, tháp phụ cho đến các bia ký, phù điêu:

  • Tháp chính, hay còn gọi là Kalan, sẽ nằm chính giữa cụm tháp và được bao quanh bởi các tháp nhỏ. Kalan thường thờ Linga (sinh thực khí – biểu tượng cho sự sinh sôi phát triển theo đạo Hindu) hoặc linh tượng thần Shiva.
  • Mặt trước mỗi cụm tháp là một tháp cổng, tên gọi là Gopura. Tháp cổng thường quay về phía Đông, với ý nghĩa là đón nhận ánh nắng mặt trời.
  • Nằm tiếp sau tháp cổng là tháp Mandapa (tiền đình). Đây là nơi sắp xếp lễ vật dâng lên cho các vị thần và múa hát tiến hành nghi thức.

Mặc dù đã trải qua những biến động của lịch sử và nhiều công trình bị suy tàn, Thánh địa Mỹ Sơn vẫn lưu giữ được rất nhiều tòa tháp ghi rõ dấu ấn, họa tiết hoa văn thời hoàng kim của các triều đại Chăm Pa.

3.2. Thưởng thức điệu múa Apsara

Điệu múa Apsara của người Chăm là được ví von như điệu múa của các nàng tiên phục vụ các vị thần, với những động tác chậm rãi, dịu dàng và duyên dáng.

Ban đầu, điệu múa này chỉ được sử dụng trong cung đình, hoàng gia. Tuy nhiên cùng với sự phát triển và mở rộng của văn hóa, điệu múa này ngày càng được yêu thích và đưa vào trong đời sống dân gian.

Đến tham quan Thánh địa Mỹ Sơn, các đoàn khách sẽ được tiếp đón với các chương trình biểu diễn nghệ thuật, hòa mình vào âm nhạc cùng điệu múa Apsara.

Tại đây, bạn sẽ được thưởng thức điệu múa trong tiếng trống Paranưng, tiếng khèn Saranai và khung cảnh huyền diệu của các vũ công trên sân khấu.

4. Những món ăn đặc sản nên thử tại khu vực quanh Thánh địa Mỹ Sơn

Đi du lịch văn hóa thì cũng hấp dẫn đấy, nhưng phải kết hợp cả khám phá ẩm thực địa phương thì mới có đủ năng lượng để tiếp sức cho chuyến đi phải không nào! Hãy để MoMo mách nhỏ cho bạn một số món ăn nhất định phải thử trong chuyến tham quan Thánh địa Mỹ Sơn nhé!

4.1. Món bê thui Cầu Mống

Thịt bê được lựa chọn từ những con bê non ăn cỏ, thui bằng bếp than rồi thái thành các lát mỏng. Khi thưởng thức món ăn này, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt của thịt, độ giòn của da đi kèm với vị chua chua, cay cay hài hòa của nước chấm.

  • Địa chỉ: Bê thui Phước Quân: Đường Thanh Hóa, thành phố Tam Kỳ.
  • Giá: 50.000 – 350.000 VND.

4.2. Món mì Phú Chiêm

Sợi mì trắng giống sợi phở nhưng dẻo và dai hơn, được làm từ gạo trồng ở hai bờ sông Thu Bồn. Món mì Phú Chiêm gồm có thịt ba chỉ, tôm nõn, trứng cùng nhiều loại rau sống và giá đỗ, trộn đều với ớt sừng khiến cho món ăn vừa ngậy bùi vừa cay nhẹ, tạo nên một hương vị khó quên.

  • Địa chỉ: Quán Ông Hai – 6A Trương Minh Lượng, Cẩm Châu, Tp. Hội An, Quảng Nam.
  • Giá: 15.000 – 40.000 VND.

4.3. Bánh đập

Bánh đập có 2 loại cho du khách thưởng thức: bánh đập khô và bánh đập ướt. Bánh đập khô được nhiều du khách ưa chuộng vì có phần dễ ăn hơn, do bánh được nướng hai mặt vàng giòn, ăn vừa thơm vừa vui miệng.

Với cả hai loại bánh, bạn đều thưởng thức kèm một loại nước mắm pha với ớt tươi, tỏi và lạc giã nhuyễn, tạo thêm độ hấp dẫn cho món ăn dân dã này.

Địa chỉ:

  • Bánh đập Hường: Cẩm Nam, Hội An.
  • Bánh đập Lân: 80 Nguyễn Tri Phương, Hội An.

Giá: 7.000 – 50.000 VND.

4.4. Bánh tổ

Bánh tổ Quảng Nam được làm từ hai nguyên liệu chính là nếp và đường. Tuy trông đơn sơ mộc mạc nhưng đây là loại bánh đặc sản cho dịp Tết của người dân địa phương.

Với vị dẻo thơm của gạo nếp và vị ngọt đặc trưng của đường bát, chiếc bánh này sẽ không khỏi khiến khách thập phương lưu luyến. Bánh có thể ăn sống, nướng lại hoặc chiên giòn.

  • Địa chỉ: 12 Hoàng Hoa Thám, Đà Nẵng.
  • Giá: 15.000 – 100.000 VND.

Với những kinh nghiệm trên đây, hi vọng bạn đã sẵn sàng để trải nghiệm vẻ đẹp cổ kính, thiêng liêng của Thánh địa Mỹ Sơn. Hãy bắt đầu chuyến khám phá lịch sử, văn hóa của mình nhé!

TỔNG KẾT 

Bạn có thể nhận biết hệ thống đại lý của CheckGo qua hai hình thức ĐẠI LÝ ỦY QUYỀN và ĐẠI LÝ ONLINE của chúng tôi thông qua 1 trong 2 cách sau:

Cách 1: Liên hệ trực tiếp qua Hotline 0943.441.444 và đọc số điện thoại Đại lý cho nhân viên tổng đài để xác minh, và xác nhận để tiến hành đặt vé.

Cách 2: Xem danh sách trên website checkgo.com.vn.

Ngoài ra quý khách có thể liên hệ thêm các kênh CheckGo tại:

Các kênh này đều sử dụng để phục vụ khách hàng và hệ thống đại lý trên toàn quốc. Ngoài ra Quý khách có thể để lại thông tin cho CheckGo, nhân viên sẽ liên hệ lại Quý khách trong thời gian sớm nhất. Xin cám ơn – Trân trọng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *