6 Lễ hội mùa xuân Tây Bắc đặc sắc không thể bỏ qua
Mùa xuân là thời điểm bà con Tây Bắc bước vào những lễ hội lớn trong năm. Lễ hội mùa xuân Tây Bắc không chỉ thể hiện nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo mà còn giúp thu hút khách du lịch thập phương.
1. Lễ hội xuống đồng
Lễ hội xuống đồng hay còn gọi là lễ hội Lồng tồng, một lễ hội gắn liền với sản xuất nông nghiệp của người Tày ở vùng cao Tây Bắc. Theo thông lễ hàng năm, cứ tầm mùng 5 – mùng 7, khi trời vào xuân, người dân bản Tây lại náo nức tập trung tổ chức lễ xuống đồng.
Trước ngày diễn ra Lễ hội xuống đồng người Tày, bà con sẽ chuẩn bị hoa quả, tiền vàng, xôi màu, gà, cau, bánh… để làm lễ cúng thần linh, rồi chọn một thửa ruộng bằng phẳng gần trung tâm để tổ chức nghi thức xuống đồng. Trong ngày lễ, mọi người tập trung tại thửa ruộng được chọn này rồi cùng tiến hành phần lễ và phần hội.
Lễ hội xuống đồng người Tày – lễ hội mùa xuân Tây Bắc – có hai phần, trong khi phần lễ diễn ra trang nghiêm dưới sự chỉ đạo của các cao niên thì phần hội lại sôi động. Trong phần lễ có nghi thức rước nước, cúng thần suối, thần bản, thần núi… với mong muốn thần linh phù hộ mưa thuận gió hòa, nguồn nước tốt để mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh để cày cấy.
Phần hội trong Lễ hội Lồng tồng này có rất nhiều trò dân gian thú vị, nào là chọi trâu, chọi gà, thi ném còn, thi cấy, bắn nỏ, đẩy gậy, hát then, giao duyên, múa xòe… Lễ hội xuống đồng người Tây thể hiện sự quý trọng của bà con với hạt gạo đã nuôi sống con người bao đời nay cũng như tượng trưng cho ý chí chinh phục thiên nhiên làm nên hạt lúa hạt gạo cho cuộc sống ấm no.
2. Lễ hội Gầu Tào
Một lễ hội mùa xuân Tây Bắc nổi tiếng khác là Lễ hội Gầu Tào, lễ hội của người Mông. Trước đây, lễ hội này chỉ được tổ chức bởi những gia đình người Mông giàu có nhưng theo thời gian, Gầu Tào đã trở thành một lễ hội lớn của cả bản làng Mông trong dịp Tết đến xuân về. Năm 2020, Lễ hội Gầu Tào đã được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Thời gian diễn ra lễ hội Gầu Tào thường từ mùng 1 tới 15 tháng Giêng, cũng gồm 2 phần lễ và phần hội. Địa điểm tổ chức là quả đồi thấp, đỉnh đồi bằng phẳng có bãi rộng. Đồi Gầu Tào nằm theo hướng Đông, hướng của mặt trời mọc để khi dựng cây nêu sẽ đón được ánh nắng mặt trời.
Trong lễ hội này, cây nêu được xem là biểu tượng linh thiêng, được chọn từ cây Sa Mu và dựng lên ở vị trí trung tâm diễn ra lễ hội. Trên cây nêu này sẽ được dán giấy đỏ ở thân cây, phần ngọn treo hình nhân. Trong lễ, gia chủ sẽ cúng đầu lợn, đôi gà trống mái chín, bát cơm, quả trứng, bó lúa, bắp ngô, đĩa xôi…
Ngoài nghi thức cúng, phần lễ còn có nghi thức hát lý mở màn và múa nhạc cụ. Phần hội của lễ hội mùa xuân Tây Bắc này có thi văn nghệ, giã bánh giầy, nấu thắng cố, bịt mắt đánh chiêng, leo cây nêu, cùng nhiều môn thể thao truyền thống.
Lễ hội Gầu Tào tiêu biểu của người Mông với mục đích cúng tạ thần linh phù hộ cho gia đình sức khỏe, cũng như cầu phúc, cầu lộc cho bà con trong năm mới gia súc đầy chuồng, mùa màng tốt tươi. Đặc biệt, đây cũng là dịp để người dân khi đi làm ăn xa có dịp về với gia đình, vui chơi, hội ngộ. Bạn có thể du lịch Hà Giang, Lai Châu… trong dịp này để khám phá lễ hội Gầu Tào đặc sắc.
3. Lễ hội Hoa Ban
Lễ hội hoa ban còn được biết tới với cái tên lễ hội Xên Mường, là một lễ hội thường niên của người dân tộc Thái, thường được tổ chức vào mùng 5 tháng 2 âm lịch, khi hoa ban bắt đầu nở rực rỡ khắp núi đồi Tây Bắc.
Theo quan niệm từ xa xưa của người Thái, hoa ban tượng trưng cho tình và lòng hiếu thảo. Sự tích về hoa ban gắn liền với câu chuyện tình bi thương, sâu nặng của người Thái vùng Tây Bắc. Tương truyền xa xưa có một người con gái Thái tên Ban vô cùng xinh đẹp, đã đem lòng yêu chàng trai nghèo và bị cha mẹ ngăn cấm. Buồn bã, nàng chạy vào rừng tìm người yêu nhưng mãi chẳng thấy chàng đâu. Nàng kiệt sức ngã gục bên tảng đá sau khi vượt qua dãy núi cao. Tại nơi nàng Ban nằm xuống mọc một cây hoa trắng muốt sau đó mọc lan ra khắp núi rừng. Từ đó, người ta đặt tên cho loài hoa trắng này là hoa ban.
Lễ hội mùa xuân Tây Bắc độc đáo, chứa đựng nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống tinh thần đồng bào người Thái. Trong lễ hội có nghi thức thỉnh bái Then – vị thần tối cao heo quan niệm người Thái và thỉnh bái nàng Ban; thỉnh bái ma trời, ma mường, ma sông, ma núi… Trên hết, họ mong được phù hộ vạn vật đơm hoa kết trái, lứa đôi hạnh phúc, dân bản đầm ấm, bình an.
4. Lễ hội Roóng Poọc
Lễ hội Roóng Poọc là lễ xuống đồng của người Giáy, kết thúc một tháng Tết để mở ra một mùa vụ mới. Đây cũng là dịp cúng Thổ địa để cầu bản làng bình yên, chăn nuôi, lúa ngô bội thu.
Lễ hội mùa xuân Tây Bắc này diễn ra vào ngày Thìn tháng Giêng hàng năm, tổ chức tại cánh đồng trung tâm của bản để thuận lợi cho việc đi lại. Trước lễ hội, người dân chuẩn bị lễ vật gồm xôi màu, gà, cá, rượu, thịt lợn… và quả còn để cúng thần linh. Quả còn treo trên cây nêu dài tầm 15-20m, có mặt dán giấy hai màu, trong đó màu đỏ tượng trưng cho mặt trời còn màu vàng biểu trưng cho mặt trăng.
Trong ngày diễn ra lễ hội, kèn pí lè đón rức thầy mo vào trung tâm làm lễ, hành lễ với thần linh, rồi mời các già làng lấy quả còn ném tượng trưng 3 lần. Tiếp đó, chủ lễ cầm khay đựng quả còn chia cho nam nữ thanh niên để ném còn về phía vòng nhật nguyệt trên ngọn cây nêu.
Người Giáy cho rằng ném còn thủng vòng nhật nguyệt này thì năm mới sẽ bình an, làm ăn phát tài. Do đó, nếu cả buổi lễ không ai ném thủng hình này thì phải dùng nỏ để bắn thủng, với quan niệm tránh tai ương cho cả năm.
5. Lễ hội nhảy lửa
Nhảy lửa cũng là lễ hội mùa xuân Tây Bắc truyền thống của người Dao đỏ được tổ chức vào mùng 1 hoặc 15 tháng Giêng. Theo quan niệm của họ, lửa mang lại sự ấm áp cho người dân, như một vị thần thiêng liêng xua đuổi tà ma, bệnh tật. Bởi vậy, nhảy lửa diễn ra dịp đầu xuân với hy vọng thần lửa sẽ mang lại một năm mới bình an, may mắn cho bà con.
Theo quy định, những người tham gia nhảy lửa phải là nam giới, trước khi nhảy phải tắm rửa sạch sẽ. Lễ hội thường diễn ra vào buổi tối, sau khi mọi người đã ăn uống và tắm rửa xong.
Trên sân rộng sẽ đốt một đống củi rực cháy, thầy cúng làm lễ với các vật phẩm dâng cúng là cơm, rượu, gạo, gà luộc, vải mộc trắng, tiền giấy, đèn, nến… Sau khi cúng sắp hết bài thì nam thanh niên tham gia nhảy lửa ngồi trên những chiếc ghế kế bên đống lửa đang cháy rực để được làm phép. Sau khi kết thúc làm phép, họ tiến về đống lửa đỏ rực bằng chân trần mà không có cảm giác nóng bỏng hay sợ hãi cho tới khi than đỏ tàn hẳn thì thôi. Điều này thể hiện sự dũng cảm, khéo léo và gan dạ của đàn ông Dao đỏ.
Trong dịp đầu năm, khách du lịch có thể ghé thăm huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì… của tỉnh Hà Giang hay huyện Bắc Hà tỉnh Lào Cai để trải nghiệm lễ hội mùa xuân Tây Bắc độc đáo này.
6. Lễ hội Xên Bản, Xên Mường
Nếu như người Dao đỏ có Lễ hội nhảy lửa thì người Thái vùng núi Tây Bắc có Lễ hội Xên Bản, Xên Mường từ thế kỷ 13 để tạ ơn tổ tiên, bày tỏ lòng biết ơn tới tổ tiên lập bản, dựng mường cũng như cầu trời đất mưa thuận gió hòa, làm ăn tấn tới. Lễ hội Xên Bản, Xên Mường thường diễn ra vào tầm cuối tháng Giêng, đầu tháng 2 âm lịch tại miếu của mường.
Trước khi vào lễ, người dân sẽ cùng tổng vệ sinh, sửa sang miếu cho đẹp và chuẩn bị lễ vật có lợn, trâu, gà. Trưởng họ của dòng họ đầu tiên xây dựng bản mời thầy mo mặc trang phục dân tộc Thái đứng trước bàn thờ ở miếu thực hiện nghi lễ cúng trong tầm 30 phút. Sau đó, mâm cúng được hạ xuống cho người dân bản cùng thụ lộc, uống rượu cần và chúc tụng nhau.
Sau tiếng chiêng sẽ là lúc múa xòe, múa khăn, nhiều trò chơi như bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, thi đối đáp, tó má lẹ… diễn ra. Người Thái chiêm niệm rằng tiếng chiêng càng vang xa, vòng xòe càng rộng, quả còn ném trúng nhiều lần thì năm đó càng bình yên và may mắn. Lễ hội Xên Bản, Xên Mường của người Thái ở Hòa Bình đã được chứng nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia. Lễ hội mùa xuân Tây Bắc này chắc chắn sẽ mang tới trải nghiệm có một không hai cho du khách khi khám phả mảnh đất Tây Bắc.
Trên đây là thông tin về Lễ hội mùa xuân Tây Bắc cho bạn và gia đình tham khảo. Nếu bạn là người có đam mê khám phá thì đừng bỏ lỡ nét đặc sắc dân tộc này nhé!